Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Dalat - cùng đếm bao nhiêu ngày hoang...

IMG_9015 IMG_9016

“…tay yếu đuối ta sẽ còn nắm lại/ những lời gì xưa đã hết âm vang…” (Hoài Khanh)
Không như các tác phẩm (ít ỏi) khác về Đà Lạt, vượt trên những miên man của kỷ niệm rời, cả những đoản khúc hồi ức lảng bảng mây mù và sương khói, những ký vãng từ những con đường/ những con dốc/ những ngôi nhà/ những bài hát… Nguyễn Vĩnh Nguyên đi vào Đà Lạt từ một đám mù sương khác… Đám sương phủ xuống từ khí quyển đặc trưng và trí quyển đậm chất Đà Lạt - thành phố (dành cho những tâm hồn) cực đoan (trong ngữ nghĩa lưu đày chính mình trong niềm “khoái cảm” của yêu thương/ của từ bỏ/ của lãng quên/ của một mình/ của dâng hiến/ của rốt ráo kiếm tìm/ của tĩnh lặng/của “phận người”…)
Mưa và mù sương ôm ấp thành phố cao nguyên này, ôm ấp những tâm hồn dưới lũng tình yêu này, từ đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên đi tìm những lời giải cho câu hỏi “cái gì” từ Đà Lạt níu chân và giữ lại những mảnh hồn từng một “thời” được nuôi nấng bên trong nó (mà không thể là một “cái gì” từ bất kỳ thành phố nào khác) để rồi chính những mảnh hồn đó “nhập thế” vào chính Đà Lạt – trong im ắng / hoang vu / lặng lẽ - trong một cách nói nào đó, những tan-vào-thành-phố này chính là sự “dữ dội” của “căn tính” Đà Lạt, hơn thế nữa, những tìm đến và phục dựng những khuôn-mặt-Đà-Lạt được khắc hoạ trong một khoảng thời gian bị hư-vô-hoá 1954-1975 càng khiến cho cuộc “du hành” này của tác giả giải ảo thêm được nhiều “ẩn ức” thú vị…
Những gương mặt đã xa, những câu chuyện đã qua, những chìm lấp trong sương mù Đà Lạt; tất cả như tan ra, nhưng chưa biến mất mà như nhoà lẫn vào nhau, trong thinh không Đà Lạt, một chút bụi khói thời gian vấy thốc lên bao phủ quanh tôi khiến tôi thấy mình bỗng như mắc kẹt trong chính thực-thể-Đà-Lạt ấy…Mắc kẹt trong chính những kỉ niệm riêng tây đang quẫy đạp trong tiềm thức...
Đó là những ngày trôi qua ở Dalat (Dalat trôi qua hay ta trôi qua?) những ngày buồn buồn, những ngày đèm đẹp, những ngày mà mỗi nhịp phách mưa là một khúc requiem mơn trớn / xoa dịu vùng - bất - an của bất kỳ lữ khách nào (mưa từ đỉnh cao hay mưa từ vực sâu?)
Những ngày ở Dalat là những ngày đọc Đoàn Minh Phượng, đọc và biến mất vào cái đám tro bụi mù sương ấy, đọc về những đám mây của Dalat (để rồi thẫn thờ Dalat có thật hay Dalat không có thật?!?)
Níu xuống một vạt rừng đẫm sương chiều cô quạnh, rót nghiêng một mặt dốc có hoa xanh và lá vàng, thả cho bát ngát bay những gió chiều hoang vu tha thiết trôi ngược về những mặt hồ xanh thẫm… là ta có một Dalat…
Hãy đổ lá xuống thành một dòng thác nhỏ. Mưa suối lá mang theo mùi hương xa ngái. Phải chăng là mùi của một lặng im thông Cam Ly một-chiều-nào-chúng-ta, mùi ngọt ngào của hồng Trại Mát đến-và-đi-phiêu-du-như-gió, mùi thơm-như-môi-hồng đào hồ Tuyền Lâm của mùa xuân nào phôi pha, và cả mùi nhẹ bay của bàng hoàng sương nữa, sương sớm Suối Vàng hay từ những giọt lệ đầu ngày ướt trên mi Thung Lũng Hồng…Nghiêng tai để nghe tất cả những mùi hương-xa ấy là ta có một Dalat…
Cây cuối xuống và lá rụng đầy hồn người, sợi chiều trói mình vào khoảng mông lung, rớt trên lưng chừng đèo một tiếng chim xao xác…
Trong tiếng chim chiều hoang liêu ấy, chợt vang vang một ý nghĩ ngông cuồng ngày cũ của Thiện…là ta (lại) có một Dalat (nguyên bản và vô nhiễm) “Tất cả lịch sử Việt Nam đã chết trong tôi. Tôi muốn tất cả nước Việt Nam bị tiêu diệt và chỉ chừa lại thành phố Đà Lạt mà thôi. Chỉ có Đà Lạt mới xứng đáng là Việt Nam trong tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng nhứt và thơ mộng nhất của Việt Nam. Hãy để tất cả thế giới bị tiêu diệt và chỉ xin chừa lại Đà Lạt …”
Hát một cơn mưa xao xuyến dội về, để rồi có một Dalat chìm trong ảo ảnh - hãy đến với Dalat như đến với một bóng hình (đã kịp) chìm khuất, như đến với một huyền thoại mất và cũng như vậy, đã đến với một hồn hiu quạnh còn.
Huyền thoại mất & hiu quạnh còn… của Đà Lạt và cho Đà Lạt hôm nay hiển bày trong chuyến du khảo này , trên lối dẫn của một “dòng hương khói bay” - dòng “hương xa” & “như thấy kiếp xưa bước nhẹ về”.

huyvespa@gmail.com

Another review http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/10/da-lat-et-jentends-siffler-le-train.html

IMG_6975 IMG_6978 IMG_6990 IMG_7005 IMG_7019 IMG_7020 IMG_7021 IMG_7607 IMG_7638 IMG_7639 IMG_7640 IMG_7710 IMG_7711 IMG_7721 IMG_7745 IMG_7746 IMG_7748 IMG_7749 IMG_8614 IMG_8604 IMG_8719

website counter
Stats For Free

http://nguoidothi.vn/vn/news/am-thuc/quan-mon-cua-ban/5366/nguyen-vinh-nguyen-tim-lai-da-lat-thoi-huong-xa.ndt

Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tìm lại Đà Lạt thời hương xa



“Trong những chuyến trở về Đà Lạt, tôi luôn nghe những người đồng hành (cũng vì quá yêu mến Đà Lạt) và cả cư dân ở đó nữa, than thở đại ý: “Chất Đà Lạt đã mất rồi”, “Bây giờ ngồi ở Đà Lạt mà nhớ Đà Lạt”. Tôi tự hỏi: Cái sự mất mát của Đà Lạt là gì, nguyên nhân cụ thể thế nào? Và tôi du hành ngược về quá khứ để tìm câu trả lời” - Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ khi dự án khảo cứu độc lập của anh kéo dài trong ba năm vừa khép lại. Trong tháng 9.2016, cuốn Đà Lạt, một thời hương xa (du khảo văn hóa Đà Lạt 1954-1975) của tác giả này ra mắt bạn đọc.
Vì sao anh chọn Đà Lạt làm đối tượng trong cuốn du khảo đầu tiên?
Tôi có một sự gắn bó đặc biệt với Đà Lạt. Cuộc sống khoảng 5 năm (1997-2001) ở Đà Lạt cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ. Trong suốt thời gian 15 năm chuyển về sống ở Sài Gòn, những khi mệt mỏi, chao đảo, tôi thường vác ba lô đi Đà Lạt một mình, với tâm thế vừa là một lữ khách tìm khuây, vừa là kẻ trở về ngôi nhà an lành trong ký ức. Tôi thấy thành phố đổi thay từng ngày; luôn đặt dấu hỏi trước sự “xa lạ” nhanh chóng của cảnh quan, khí hậu, không gian văn hóa và tâm tính thị dân.
Về bối cảnh rộng, tôi thấy Đà Lạt có tuổi đời hơn một thế kỷ, rất nhiều người “yêu điên đảo” thành phố đó, nhưng công trình nghiên cứu, khảo cứu, ghi chép ký ức cộng đồng về Đà Lạt lại thiếu vắng. Giới nghiên cứu, am tường Đà Lạt rất mỏng, hầu hết đã lớn tuổi, họ sống lặng lẽ, thanh đạm và kín tiếng... Trong khi đó, những người ít chịu bỏ công nghiên cứu thì lại chọn đám đông nhỏ hẹp để khẳng định.
Một số sách viết về Đà Lạt ấn hành trong khuôn khổ địa phương này, tôi tình cờ đọc thấy nhiều điểm sao chép trên mạng dễ dãi và cẩu thả. Vậy là tôi chọn cách âm thầm làm một điều gì đó. “Điều gì đó”, trước hết là để tháo gỡ phần nào những câu hỏi mình tự đặt ra, rồi sau đó, là biết đâu đó, sẽ là một gợi ý để những người có ưu tư với Đà Lạt đồng hành.
Đường phố Đà Lạt 1961. Ảnh tạp chí Life
Vì sao lại là giai đoạn 1954-1975?
Như bạn biết, với hầu hết các đô thị trung tâm văn hóa của miền Nam trong khoảng 1954-1975, kể cả Sài Gòn, đến nay vẫn là một khoảng mờ mịt vì nhiều lý do, trong đó vấn đề lớn nhất đó chính là sự khó khăn về nguồn dữ liệu nền, đầu vào và sự khó khăn đầu ra cho công trình. Đà Lạt không là ngoại lệ. Đà Lạt thời thực dân (từ lúc hình thành đô thị đến khoảng 1950) thì nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tiếp cận khá thấu đáo.
Riêng giai đoạn 1954-1975 hay trước một chút, thời Hoàng triều cương thổ thường dừng lại ở những ghi chép, hồi ức. Những tác phẩm có tính chất khảo cứu của tác giả trong nước viết rất thiếu vắng, hoặc rơi vào tình trạng phải đạo, định kiến ý hệ vẫn thường thấy ở các công trình “lễ lạt” nhà nước đầu tư. Nhiều sự thật về giai đoạn này còn lẩn khuất đâu đó trong sương mù dày đặc. Và cũng chính sương mù, sự che đậy, ẩn mật đó có sức quyến rũ đặc biệt với tôi.
Anh có thể nói rõ hơn về khái niệm “hương xa” được dùng cho Đà Lạt?
Đó là exotisme, những cuộc du hành, trải nghiệm và biểu hiện văn hóa ở những truyền thống, không / thời gian khác lạ. Tôi không muốn nhìn cái nhìn quen thuộc áp vào định kiến “thực dân”. Tôi muốn đặt trục nhìn trên giác độ văn hóa: người Pháp kiến tạo Đà Lạt như một thủ phủ trên cao trong cuộc du hành “hương xa” về Đông Dương (trong thời điểm phát triển rực rỡ nhất, thành phố này có tới 5.600 cư dân phương Tây - năm 1944; đây là vườn ươm nòi giống Pháp ở vùng Viễn Đông). Nhưng nói tới du hành văn hóa cũng là nói tới sự phản hồi của bản địa trước những cuộc du nhập của văn hóa đến từ “kẻ khác”.
Thời hậu thực dân, về chính trị, khi người Pháp mất ảnh hưởng, những trí thức miền Nam được hấp thụ các giá trị Tây học lại lên Đà Lạt để nhàn dật, nghiên cứu, theo đuổi học thuật và sáng tạo.
Phạm Duy nói đại ý rằng, ông thấy ở Đà Lạt một đời sống châu Âu ngay trên đất nước mình. Trong khoảng đầu thập niên 1960, những chàng trai tuổi đôi mươi như: Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện... chọn Đà Lạt để sống những tháng ngày “thơ mộng và giang hồ”, suy tưởng và băn khoăn. Trông ảnh tư liệu, bộ dạng họ đôi khi như thể “nhập vai” những Albert Camus, Jean-Paul Sartre hay các văn sĩ Thế hệ Bỏ đi (Lost Generation) Mỹ từng ngang dọc ở Paris những năm tuổi trẻ. Đà Lạt là giấc mộng Paris, là khát khao đón “gió thổi đồi Tây” của nhiều trí thức, nghệ sĩ theo đuổi “hương xa” trong tâm thức dĩ Âu vi trung (lấy châu Âu làm trung tâm)... thời hậu thuộc địa.
Tôi muốn nhìn Đà Lạt như giao điểm, hay sản phẩm của những cuộc kiếm tìm hương xa trong quá khứ.
Từ phải: Marybeth Clark, Nguyễn Văn Trung, Phạm Duy, Đinh Cường, Khánh Ly, Thái Lãng, Đỗ Long Vân chụp trong triển lãm tranh Đinh Cường ở Alliance française de Dalat, Noël 1965. Ảnh Đinh Trường Chinh cung cấp
Việc tiếp cận tài liệu giai đoạn ấy hẳn có nhiều khó khăn?
Đa số báo chí, văn học, công trình trước tác tư tưởng giai đoạn này ở miền Nam đang nằm trong các kho hạn chế của các thư viện, với những nguyên tắc hành chính đầy phi lý, ấu trĩ hoặc nằm rải rác trong “giang hồ” giới sưu tập, buôn bán sách báo cũ mà muốn thủ đắc, phải chịu giá cắt cổ nếu không có mối quan hệ tốt...
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tại thư viện tỉnh Lâm Đồng. Ảnh TL
Tôi may mắn được một số sự giúp đỡ để có thể đi vào kho hạn chế của vài thư viện ở Đà Lạt và Sài Gòn. Cách giữ gìn tài liệu thô sơ, việc “cầm tù” chúng bằng các quy định nghiêm ngặt khiến tôi nghĩ không chừng chỉ mười năm nữa, nhiều thứ quý giá sẽ xuống cấp, thất thoát... Tôi đã nghĩ rằng, cho đến chừng nào mà các tàng thư vẫn bị khoanh vùng “nhạy cảm” hay “hạn chế” thì chừng đó, hiện tại còn đứt gãy với quá khứ, tương lai sẽ nghèo nàn và bạc màu vì thiếu vắng tính kế thừa tự nhiên.
Cũng vậy, đời sống đô thị chỉ giàu có, sang cả khi mà chúng ta biết công nhận những giá trị đô thị đã được kiến tạo từ trong lịch sử.
Chuyện ăn, ở, tổ chức thời gian... ở Đà Lạt của anh ra sao trong quá trình thực hiện dự án này?
Thường cuối tuần tôi vác ba lô đón xe đêm về Đà Lạt. Chuyện gõ cửa tá túc nhà bạn bè, người quen lúc 4 giờ sáng là bình thường. Nhưng những chuyến đi xác định lên làm việc với lịch trình quá dày, thì tôi thường ở nhà nghỉ, thuê xe máy để đi lại. Một căn phòng giá bèo, một chiếc xe chạy ổn, vậy là đủ. Có những chuyến tôi chìm đắm trong các tàng thư, các kho hình ảnh, miên man với các cuộc tiếp cận đến độ chẳng rảnh để đi phòng trà nghe nhạc hay để ý tới khung cảnh bên ngoài... Về khoản ăn uống la cà, tôi tự nhận là “thổ địa” Đà Lạt, lo gì.
Chất văn học trong cuốn du khảo này của anh sẽ được thể hiện như thế nào?
Các nhân vật, hiện tượng trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực. Có những lĩnh vực hẹp, chuyên sâu. Chính vì thế, tôi chọn một văn phong dung hòa, vừa phải để bạn đọc bình thường có thể tiếp nhận. Một đôi chỗ tôi cho phép mình tung tẩy bằng lối “phục dựng” riêng. Ví dụ như về nhạc sĩ Lê Uyên Phương, tôi chọn ba bài viết trong cuốn Không có mây trên thành phố Los Angeles (Lê Uyên Phương, truyện và tùy bút - NXB Tân Thư, Hoa Kỳ, 1990) đọc nhuyễn chúng rồi quẳng cuốn sách đi, ngồi để “viết lại” như một truyện ngắn kể về cậu bé tên Lập lớn lên trong thành phố Đà Lạt từ giữa thập niên 1940 đến thập niên 1950 với một tình yêu âm nhạc mãnh liệt. Hay trường hợp ông Nguyễn Bạt Tụy, một học giả của Đà Lạt, một trí thức nổi tiếng miền Nam, tôi chọn cách đi sát theo những tài liệu ngôn ngữ, dân tộc học đã công bố để bước qua những thêu dệt, huyền thoại hóa, cố gắng dựng lại một chân dung từ rất nhiều mảnh ghép rời rạc...
Đà Lạt là thiên đường sáng tạo, nhưng cũng là nơi nhấn chìm rất nhiều đại thụ vào trong sương mù của hư vô. Việc dấn bước vào sương mù để tìm thấy họ, với tôi là một thử thách đầy thú vị.
Từ phải: Trịnh Công Sơn, Tôn Nữ Kim Phượng và Đinh Cường trong triển lãm tranh Đinh Cường ở Alliance Française de Dalat, Noël 1965. Ảnh Đinh Trường Chinh cung cấp
Sau khi hoàn tất cuốn sách, anh cảm thấy những thắc mắc ban đầu của mình về Đà Lạt đã giải quyết xong chưa?
Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Tôi cảm thấy cuốn sách vẫn chưa đủ. Đi vào tâm hồn, căn tín của một đô thị là một hành trình không thể giải quyết ngắn ngày và đơn giản gói trong một, hai cuốn sách; mà phải là một cuộc tri hành lâu dài. Nhất là với một đô thị bị vây phủ bởi quá nhiều lớp “sương mù” huyền thoại và định kiến!
Suy nghĩ và quan niệm của anh về Đà Lạt trước và sau khi khi thực hiện cuốn sách du khảo về Đà Lạt có chênh nhau điểm nào không?
Trước đó, tôi có một cuộc khảo sát cá nhân khá ngẫu hứng, dưới dạng nhật ký, tản mạn. Kết quả cuộc khảo sát đó là cuốn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (NXB Trẻ, 2014). Một Đà Lạt trong cảm nhận riêng tư, Đà Lạt trong thời của tôi. Khi đem đối chiếu một Đà Lạt của những người đến trước, lịch thời, sẽ thấy có ít nhiều khác biệt về hoàn cảnh, điều kiện, tâm thế nhưng cũng có một thứ tôi tin là hóa giải được, khiến tôi hiểu, đồng cảm với họ, đó là một tinh thần tịnh mặc, một tình yêu chân thành, một cuộc truy cầu hiểu biết và sáng tạo.
Cá nhân anh có nghĩ Đà Lạt sẽ tìm lại được giá trị của mình - thành phố trí thức và văn hóa như đã từng?
Tôi không đủ quyền năng để trả lời câu hỏi này. Như đã nói, tôi chỉ làm công việc của người khảo cứu, ghi chép, kết nối tư liệu để cố gắng dựng lại thời hoàng kim của một đô thị trong tư cách đặc khu đại học, một sinh quyển trí thức lý tưởng hôm qua. Hành trình đó cũng mới chỉ vỡ vạc bước đầu. Với những gì tìm kiếm được, tôi nghĩ sẽ giúp người đọc có một cách kiến giải sâu hơn về cái gọi là “sự mất mát” của Đà Lạt trong sâu xa, cốt lõi là gì. Từ đó, hy vọng sẽ suy tư tiếp về cách thế làm sao để hạn chế “sự mất mát” đó hay liệu có thể phục hưng, sáng tạo lại giá trị sang cả đã từng cho Đà Lạt chăng?

Đà Lạt, một thời hương xa dự kiến dày 400 trang, có trên 220 hình ảnh tư liệu mới, cũ. Cấu trúc gồm hai phần: Du hành thời gian và Không gian đã mất. Phần Phụ lục liệt kê những cơ sở giáo dục tiêu biểu, các trung tâm văn hóa, nghiên cứu, du lịch, các hoạt động của thanh niên, đoàn hội trong đô thị Đà Lạt.
Những nhân vật gắn bó với Đà Lạt giai đoạn 1954-1975 được chọn khảo sát: Nhất Linh, Hoàng Nguyên, Nguyễn Bạt Tụy, Phạm Duy, Phạm Công Thiện, Lê Uyên Phương, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Linda Lê... Các hiện tượng: tự trị đại học, sáng tác âm nhạc, sinh hoạt văn nghệ, cà phê một thời, đường sá tiêu biểu, nếp sống gia đình đặc thù Đà Lạt... cũng được tái hiện, phân tích.

 Trâm Anh thực hiện



Không có nhận xét nào: